Giáo trình Tư Tưởng Hồ Chí Minh
Tư Tưởng Hồ Chí Minh là môn cơ bản bắt buộc học đối với tất cả các bạn sinh viên năm nhất, năm hai. Có thể các bạn tân sinh viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi lần đầu bắt gặp 1 môn học đậm chất chính trị như thế này. Laptop TCL sẽ giúp các bạn tổng hợp một số thông tin quan trọng cũng như link PDF của giáo trình Tư Tưởng Hồ Chí Minh để các bạn ôn tập.
Tư Tưởng Hồ Chí Minh là gì?
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của ông được Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết, hệ thống hóa. Hệ thống tư tưởng này bao gồm những quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Các nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển gắn với các thời kì hoạt động của Hồ Chí Minh trong phong trào cách mạng Việt Nam và quốc tế vào đầu và giữa thế kỷ 20. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh nhận định Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh của văn hóa dân tộc Việt Nam, tư tưởng cách mạng Pháp, tư tưởng tự do của Hoa Kỳ, lý tưởng cộng sản Marx - Lenin, tư tưởng văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây và phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được xác định là một hệ tư tưởng chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam bên cạnh chủ nghĩa Mác-Lênin, được chính thức đưa ra từ Đại hội VII của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam cùng các quan điểm chính thống ở Việt Nam hiện nay đều thống nhất đánh giá Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là cách vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và coi tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam và của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tăng cường tuyên truyền thúc đẩy việc học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh ở tất cả các tầng lớp trong xã hội.
Phần lớn các giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh không phân tích các quan điểm của ông theo các thời kỳ lịch sử, không phân tích cụ thể các tác phẩm của ông theo chiều thời gian. Điển hình như năm 1930 khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông cho rằng đấu tranh giải phóng dân tộc đi kèm đấu tranh giải phóng giai cấp. Khi thành lập Việt Minh thì gác lại chủ trương đấu tranh giai cấp mà thực hiện đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ và đoàn kết toàn dân chống phát xít theo đường lối Quốc tế Cộng sản (chủ trương này khá trùng lặp với đường lối của Nguyễn Văn Cừ khi làm Tổng bí thư). Đến giai đoạn năm 1945, khi cần tranh thủ sự ủng hộ của Đồng Minh cho nền độc lập của Việt Nam, ông tuyên bố "giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương" và tán dương nền dân chủ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ chính thức đưa vào Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991, sau khi công cuộc Đổi mới phát động, chấp thuận phân hóa giai cấp, nhiều lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin không có tính khả thi trong cơ chế thị trường phải gác lại như đạo đức xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, làm theo năng lực hưởng theo lao động trên toàn xã hội... (chủ nghĩa cộng sản đặt ra mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ giai cấp, bóc lột, xóa bỏ giàu - nghèo, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, công hữu trên nền tảng dân chủ, xóa bỏ giáo điều tôn giáo được xem là mị dân, xóa bỏ nhà nước đi đến dân chủ trực tiếp và bình đẳng, xóa bỏ các đường biên giới quốc gia, đưa các dân tộc đến cùng một lợi ích, xóa bỏ bất bình đẳng giữa các dân tộc trên phạm vi thế giới...). Các giáo trình của Việt Nam thường khai thác tư tưởng Hồ Chí Minh theo chiều hướng trên.
Hoàn cảnh ra đời
Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chính quyền nhà Nguyễn đã thi hành chính sách đối nội, đối ngoại bảo thủ, không mở ra cho Việt Nam cơ hội tiếp xúc và bắt nhịp với sự phát triển của thế giới. Không phát huy được những thế mạnh của truyền thống dân tộc và đất nước, không chống lại được âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858 và đến năm 1883, triều đình Huế ký kết Hiệp ước Harmand với đế quốc Pháp, thừa nhận quyền bảo hộ của họ trên khắp An Nam. Từ sau Hiệp ước Patenôtre năm 1884, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Trong suốt quá trình thực dân Pháp cai trị, từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống thực dân Pháp. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang dưới khẩu hiệu "Cần vương" do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo cuối cùng cũng thất bại. Các cuộc khởi nghĩa vũ trang này mang đậm tinh thần yêu nước và đầy dũng khí trước quân thù, nhưng đều dưới sự dẫn dắt của các tư tưởng phong kiến và tư sản và đều thất bại. Cách mạng Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Thế giới
Thế giới trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX cũng đang có những biến chuyển to lớn:
- Chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn cạnh tranh tự do đã chuyển sang giai đoạn độc quyền, xác lập quyền thống trị trên phạm vi toàn thế giới. Chủ nghĩa đế quốc với bản chất của mình đã trở thành kẻ thù chung của tất cả các dân tộc thuộc địa.
- Thực tế lịch sử: trong quá trình xâm lược và thống trị của chủ nghĩa thực dân, tại các nước nhược tiểu ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, sự bóc lột phong kiến trước kia vẫn được duy trì bên cạnh sự bóc lột thuộc địa mang tính tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh các giai cấp cơ bản trước kia, đã xuất hiện thêm các giai cấp, tầng lớp xã hội mới, trong đó có công nhân và tư sản.
- Chiến tranh Thế giới I bùng nổ.
- Từ cuộc đấu tranh sôi nổi của công nhân các nước tư bản chủ nghĩa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỉ XX đã dẫn đến một cao trào mới của cách mạng thế giới với đỉnh cao là Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi (1917). Cuộc cách mạng vĩ đại này đã làm "Thức tỉnh các dân tộc châu Á", Cuộc cách mạng vô sản ở nước Nga thành công đã nêu một tấm gương sáng về sự giải phóng các dân tộc bị áp bức, mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc.
- Quốc tế III được thành lập (1919). Phong trào công nhân trong các nước Tư bản Chủ nghĩa và phong trào giải phóng của các nước thuộc địa càng có quan hệ mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của họ là Chủ nghĩa Đế quốc
Nguồn gốc
Truyền thống dân tộc Việt Nam
Chủ nghĩa yêu nước với ý chí bất khuất, tự lực, tự cường để dựng nước và giữ nước tồn tại trong suốt lịch sử của dân tộc. Đồng thời, trong quá trình dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết và ý thức dân chủ cũng xuất hiện. Tinh thần đoàn kết và ý thức dân chủ làm cho mối quan hệ Cá nhân - Gia đình - Làng - Nước ngày càng trở nên bền chặt và nương tựa vào nhau để sinh tồn và phát triển. Giá trị truyền thống của người Việt là dũng cảm, cần cù, dẻo dai trong lao động sản xuất, chiến đấu để sinh tồn và phát triển trước thiên nhiên và kẻ thù xâm lược. Nhưng đồng thời, trong quá trình đó, dân tộc Việt Nam cũng tiếp nhận những giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại. Người Việt có tư duy mở và mềm dẻo khiến họ dễ dàng tiếp nhận những tư tưởng bên ngoài. Trong khi là đảng viên Đảng xã hội Pháp, Hồ Chí Minh đã tiếp nhận chủ nghĩa Lenin với mục tiêu giải phóng dân tộc trong lúc nhiều đồng chí Pháp của ông chọn con đường dân chủ xã hội với chủ trương cải cách xã hội nhưng chấp nhận nền dân chủ. Chủ nghĩa yêu nước là điểm xuất phát, là cơ sở để Hồ Chí Minh tiếp nhận chủ nghĩa Marx - Lenin; là một trong những nguồn gốc chủ yếu hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Đông - Tây
Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành trên cơ sở tiếp thu tư tưởng Đông - Tây mà trước hết là tư tưởng phương Đông mà đặc trưng là Phật giáo và Nho giáo đã được Việt hóa. Phật giáo và Nho giáo Việt Nam đã tác động tới Hồ Chí Minh ngay từ khi còn nhỏ ở trong môi trường giáo dục - văn hóa Việt của làng xã Việt Nam, dưới sự dạy bảo của gia đình với người cha, vừa là thầy và những nhà nho yêu nước khác. Sau này, khi trở thành người cộng sản, ông vẫn tiếp tục tìm hiểu những trào lưu tư tưởng mới ở Ấn Độ và Trung Hoa mà điển hình là chủ nghĩa Gāndhī và chủ nghĩa Tôn Dật Tiên. Ông đã tìm thấy trong “chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta”.
Năm 1923, trong lý lịch tự khai khi đến Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc tự giới thiệu: "Tôi xuất thân từ một gia đình nhà Nho, nơi mà các thanh niên đều theo học đạo Khổng". Rồi tại Đại hội Quốc tế cộng sản năm 1935, Nguyễn Ái Quốc lại ghi trong lý lịch: "Thành phần gia đình nhà nho".
Sự tương đồng giữa thuyết Đại đồng của Nho giáo và chủ nghĩa cộng sản khiến Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam khác có nền tảng Nho học dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Hồ Chí Minh thấy được khả năng thích ứng của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam do sự tương đồng giữa chủ nghĩa cộng sản và lý tưởng Đại đồng của Nho giáo. Ông dùng những từ ngữ, những mệnh đề của Khổng Tử vốn rất quen thuộc với truyền thống văn hoá Việt Nam để kết nối những giá trị chung trong học thuyết Nho giáo và học thuyết Marx. Trong bài Le Grand Confucius (Đức Khổng Tử vĩ đại) đăng trên tạp chí Communise số ra ngày 15/05/1921, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu thuyết Đại đồng như sau: "Đức Khổng Tử vĩ đại (năm 551 trước Công nguyên) khởi xướng nền đại đồng và thuyết giáo quyền bình đẳng về của cải. Người nói tóm lại là: Nền hoà bình trên thế giới chỉ nảy nở từ nền Đại đồng trong thiên hạ. Người ta không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng".
Trong chiến tranh Việt Nam, ở miền Bắc buộc phải thực hiện chế độ phân phối thời chiến, Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở cán bộ về tư tưởng Khổng Tử: "Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ đói chỉ sợ lòng dân không yên".
Tổng kết 30 năm tiếp thu các dòng tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh đúc kết:
"Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Marx có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách thích hợp với điều kiện của nước ta… Khổng Tử, Giêsu, Karl Marx, Tôn Dật Tiên chẳng phải có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ ở một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất tốt đẹp như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ."
Hồ Chí Minh đã được tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi học ở trường tiểu học Vinh và Huế, những tư tưởng tiến bộ của Đại cách mạng Pháp về “tự do, bình đẳng, bác ái” đã bắt đầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến ông và là một trong những yếu tố tác động đến ông trong việc tìm hướng đi mới sang phương Tây để tìm đường cứu nước, cứu dân.
Ba mươi năm sống, lao động, học tập và hoạt động ở nước ngoài, đặc biệt là trong môi trường văn hóa phương Tây, ông đã có điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu và trực tiếp trải nghiệm qua các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội ở đây; đã trực tiếp tìm hiểu tư tưởng của các nhà khai sáng (Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu..) qua các tác phẩm của họ. Ông đã tới Pháp, Mỹ, Anh và trực tiếp thấy được đời sống xã hội tại những nơi khởi nguồn của ba cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ điển hình trên thế giới. Tư tưởng cách mạng tiến bộ của các cuộc cách mạng này đã tác động mạnh mẽ tới Hồ Chí Minh. Đó là những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa dân tộc và nhân văn trong cách mạng tư sản Mỹ và Pháp với quyền dân tộc, quyền con người và tư tưởng dân chủ mà nội dung của nó là tự do, bình đẳng, bác ái. Đây là những điểm mới về tư tưởng trong tinh hoa văn hóa phương Tây đã tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ, hành động và tư tưởng của Hồ Chí Minh. Sống trong môi trường dân chủ và thông qua các hoạt động dân chủ trong làm việc, sinh hoạt ở các tổ chức lao động, xã hội và chính trị ở phương Tây, Hồ Chí Minh đã hiểu được các phương thức tổ chức xã hội dân chủ, cách làm việc dân chủ và hình thành phong cách dân chủ.
Chủ nghĩa Marx - Lenin
Hồ Chí Minh đã tiếp thu học thuyết giải phóng con người là chủ nghĩa Marx - Lenin. Khi tiếp nhận chủ nghĩa Marx - Lenin, ông từ người yêu nước trở thành người cộng sản khi trở thành người tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp.
Đến với chủ nghĩa Marx - Lenin từ đòi hỏi của thực tiễn giải phóng dân tộc và con người, từ nhu cầu chung của nhân loại về quyền dân tộc, quyền con người, Hồ Chí Minh đã vận dụng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Marx - Lenin để nghiên cứu thực tiễn Việt Nam và thế giới và tự tìm ra con đường của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, chủ nghĩa Marx - Lenin chính là một nguồn gốc lý luận, là cơ sở chủ yếu có vai trò quyết định trong việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng chủ nghĩa Marx - Lenin trong hoàn cảnh của Việt Nam.
Quá trình hình thành và phát triển
Tư tưởng Hồ Chí Minh không hình thành ngay một lúc mà đã trải qua một quá trình tìm tòi, xác lập, phát triển và hoàn thiện, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng phong phú của Hồ Chí Minh. Có thể chia quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh thành 5 thời kỳ sau:
- Thời kỳ hình thành tư tưởng yêu nước, thương nòi (trước năm 1911): thời kỳ này Hồ Chí Minh đã hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân, tha thiết bảo vệ những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, ham muốn học hỏi những tư tưởng tiến bộ của nhân loại.
- Thời kỳ tìm tòi con đường cứu nước, giải phóng dân tộc (1911-1920): thời kỳ này Hồ Chí Minh tìm hiểu cuộc sống của những người lao động; đã khảo sát, tìm hiểu cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ, tham gia Đảng Xã hội Pháp, tìm hiểu Cách mạng Tháng Mười Nga, học tập và đã tìm đến với chủ nghĩa Lenin, tham dự Đại hội Tua, đứng về phía Quốc tế cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là thời kỳ Hồ Chí Minh đã có sự chuyển biến về tư tưởng; từ giác ngộ chủ nghĩa dân tộc tiến lên giác ngộ chủ nghĩa Marx - Lenin, từ một chiến sĩ chống thực dân phát triển thành một chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Đây là một bước chuyển biến cơ bản về tư tưởng cứu nước của Hồ Chí Minh: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
- Thời kỳ hình thành cơ bản tư tưởng về cách mạng Việt Nam (1921 - 1930): thời kỳ này Hồ Chí Minh đã có hoạt động thực tiễn và lý luận sôi nổi, phong phú ở Pháp (1921-1923), ở Liên Xô (1923-1924), ở Trung Quốc (1924-1927), ở Thái Lan (1928-1929)... Trong thời gian này, tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam đã hình thành cơ bản. Hồ Chí Minh đã kết hợp nghiên cứu xây dựng lý luận, kết hợp với tuyên truyền tư tưởng giải phóng dân tộc và vận động tổ chức quần chúng đấu tranh, xây dựng tổ chức cách mạng, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các tác phẩm và bài viết của Hồ Chí Minh thời kỳ này đã thể hiện những quan điểm lớn về con đường cách mạng Việt Nam, có thể kể tên các tác phẩm như: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927) và những bài viết khác.
- Thời kỳ thử thách, kiên trì giữ vững quan điểm, nêu cao tư tưởng độc lập, tự do và quyền dân tộc cơ bản (1930-1945): trên cơ sở tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam đã hình thành về cơ bản, trong mấy năm đầu của những năm 1930, Hồ Chí Minh đã kiên trì giữ vững quan điểm cách mạng của mình, vượt qua khuynh hướng "tả" đang chi phối Quốc tế Cộng sản, chi phối Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển thành chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, xác lập tư tưởng độc lập, tự do, dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.
- Thời kỳ tiếp tục phát triển mới về tư tưởng kháng chiến và kiến quốc (1945-1969): đây là thời kỳ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân Việt Nam vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa xây dựng chế độ dân chủ nhân dân (1945 - 1954) mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ; tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Thời kỳ này nổi bật là các nội dung như: Tư tưởng kết hợp kháng chiến với kiến quốc; tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng khác nhau, đó là cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nhằm một mục tiêu chung trước mắt là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Xây dựng quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Xây dựng Đảng Cộng sản với tư cách là một Đảng cầm quyền...
Giáo trình Tư Tưởng Hồ Chí Minh (Full PDF)
Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn tân sinh viên hiểu hơn và vượt qua môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúc các bạn thành công.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.