Vấn đề Độc lập Dân tộc được thể hiện rất rõ trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Các bạn sinh viên cần đặc biệt tìm hiểu để vượt qua bộ môn Tư tưởng HCM về Độc lập dân tộc. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết sau đây nhé.
1. Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người
Để giải phóng dân tộc cần xác định một con đường phát triển của dân tộc, vì phương hướng phát triển dân tộc quy định những yêu cầu và nội dung trước mắt của cuộc đấu tranh giành độc lập. Từ thực tiễn phong trào cứu nước của ông cha và lịch sử nhân loại, Hồ Chí Minh khẳng định phương hướng phát triển của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh thời đại mới là chủ nghĩa xã hội. Hoạch định con đường phát triển từ cách mạng giải phóng dân tộc lên cách mạng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề hết sức mới mẻ. Từ một nước thuộc địa đi lên chủ nghĩa xã hội phải trải qua nhiều giai đoạn chiến lược khác nhau. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh viết: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. “Đi tới xã hội cộng sản” là hướng phát triển lâu dài. “Tư sản dân quyền cách mạng” là giai đoạn chiến lược giải phóng dân tộc, hoàn thành nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc (chưa tiến hành triệt để cuộc cách mạng ruộng đất). “Thổ địa cách mạng” không nằm trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, mà là một giai đoạn chiến lược với nhiệm vụ chủ yếu là cách mạng ruộng đất. “Đi tới xã hội cộng sản” lại là giai đoạn phát triển kế tiếp để từng bước đạt mục tiêu cuối cùng.
Theo Hồ Chí Minh, “Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, kiên quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa dân tộc chân chính là một bộ phận của tinh thần quốc tế, “khác hẳn tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động.
Với niềm tin ở truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam, Người khẳng định:
"Địch chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta".
Độc lập, tự do là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, một tư tưởng lớn trong thời đại giải phóng dân tộc. “Không có gì quí hơn độc lập tự do” là khẩu hiệu hành động của dân tộc Việt Nam đồng thời cũng là nguồn cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Vì thế, Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam mà còn là "Người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX".
Hồ Chí Minh cho rằng, con đường của cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản, nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người. Trong đó, giải phóng dân tộc để dân tộc ta thoát khỏi cảnh lầm than, nô lệ, áp bức, nô dịch bởi thực dân, đế quốc; giải phóng giai cấp để xóa bỏ áp bức giai cấp, bóc lột giai cấp, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân. Giải phóng xã hội để thực hiện công bằng xã hội. Giải phóng con người để mỗi người ai cũng có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, được phát triển toàn diện. Tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chủ tịch là dân tộc thì độc lập, dân quyền thì tự do, dân sinh thì hạnh phúc. Chính vì vậy, với Người không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nhưng giành được độc lập, tự do rồi mà dân vẫn đói, vẫn rét thì độc lập, tự do cũng vô nghĩa.
Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người gắn bó chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ, giải phóng dân tộc tạo tiền đề, điều kiện để giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người. Tuy nhiên, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội và con người sẽ củng cố, khẳng định, bảo vệ giải phóng dân tộc. Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, các nước thuộc địa và phụ thuộc phải tiến hành chủ động, sáng tạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Trong các cuộc cách mạng giải phóng ấy thì giải phóng con người là mục tiêu cao nhất của cách mạng, thúc đẩy cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
2. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới vững bền. Nói khác đi, chỉ có lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mới là con đường bảo vệ và phát triển vững chắc nhất thành quả của độc lập dân tộc, mới bảo đảm cho Nhân dân thực sự được hạnh phúc, đồng bào ta thực sự được ấm no. Tất nhiên, độc lập dân tộc cũng là điều kiện, tiền đề, cơ sở để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ phát triển lên chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển đúng đắn và hợp quy luật khách quan của Việt Nam. Điều này có các luận cứ:
Thứ nhất, đây là quy luật phát triển khách quan của lịch sử không ai có thể ngăn cản được. Người khẳng định: “Chế độ xã hội cũng phát triển từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản chủ nghĩa và ngày nay gần một nửa loài người đang tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa... Sự phát triển và tiến bộ đó không ai ngăn cản được”.
Thứ hai, Hồ Chí Minh không nói nhiều về khái niệm chủ nghĩa xã hội, nhưng chủ nghĩa xã hội mà Người hiểu là mô hình xã hội duy nhất thực hiện được ham muốn của Người là dân tộc được độc lập, Nhân dân được hạnh phúc, đồng bào được tự do, ấm no, hạnh phúc. Chủ nghĩa xã hội, theo Hồ Chí Minh chính là “làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành”. “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ” “Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân và do Nhân dân tự xây dựng lấy”.
Có thể nói, chủ nghĩa xã hội theo Hồ Chí Minh là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người ai cũng có việc làm, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành; các dân tộc trong nước đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Chủ nghĩa xã hội có quan hệ hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc. Rõ ràng, chủ nghĩa xã hội như vậy sẽ không chỉ bảo vệ vững chắc thành quả của độc lập dân tộc mà còn làm cho Nhân dân được hạnh phúc, đồng bào được ấm no, tạo điều kiện phát triển mới cho dân tộc, cho mọi người dân. Do vậy, mà Hồ Chí Minh đã gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội và đây là một giá trị bền vững trong tư tưởng của Người.
3. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Sức mạnh dân tộc theo Hồ Chí Minh, đó là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, của ý chí đấu tranh anh dũng, bất khuất cho độc lập, tự do, ý thức tự lực, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết. Sức mạnh của thời đại được Hồ Chí Minh đúc kết từ chính thực tiễn hoạt động cách mạng của Người. Trải qua nhiều nước trên thế giới, Người hiểu rằng, “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Hơn nữa, các nước đế quốc đã không đơn độc trong hành động áp bức, bóc lột ở các nước thuộc địa, chúng còn tuyển những người lính ở các nước thuộc địa sang đàn áp ở chính quốc. Chính vì thế, Nhân dân và các nước thuộc địa bị áp bức cần đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung.
Hồ Chí Minh cho rằng sức mạnh thời đại bao gồm sức mạnh của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; phong trào cách mạng của công nhân và Nhân dân lao động các nước chính quốc và tư bản chủ nghĩa nói chung; phong trào xã hội chủ nghĩa; phong trào vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; phong trào cách mạng của Nhân dân Đông Dương... Biết tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của cách mạng. Đồng thời, Việt Nam luôn gắn kết cuộc đấu tranh của mình với phong trào giải phóng dân tộc, với Nhân dân các nước mới giành độc lập hoặc đang đấu tranh vì nền độc lập, tự do.
Chính vì vậy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; là xây dựng được khối liên minh đoàn kết chiến đấu giữa giai cấp vô sản và Nhân dân thuộc địa với giai cấp vô sản và Nhân dân lao động ở các nước chính quốc; là phát huy sức mạnh của các dòng thác cách mạng trên thế giới phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
4. Sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hồ chí Minh có quan điểm đúng đắn về quần chúng nhân dân. Quần chúng nhân dân là những người lao động, “Lực lượng dân chúng nhiều vô cùng... dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Quần chúng nhân dân có vai trò hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là chủ thể của lịch sử, chủ thể của mọi sáng tạo, chủ thể của mọi phong trào cách mạng. Trong một quốc gia, quần chúng nhân dân là gốc của nước. Với Hồ Chí Minh “nước lấy dân làm gốc”, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân và Người khẳng định:
“Gốc có vững cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.
Với Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân còn là người quyết định lịch sử. Người thường hay trích dẫn câu ca của người dân vùng Quảng Bình, Vĩnh Linh “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” để nói lên vai trò to lớn của quần chúng nhân dân. Vai trò của Nhân dân còn được Người khẳng định rõ: “Ở đâu có dân là có núi, có sông, có biển. Dân có sức mạnh hơn cả sông núi. Nếu ta biết dựa vào dân thì sẽ thành công”.
Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công.
Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, phải được quán triệt trong tất cả các lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến hoạt động thực tiễn.
Theo Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân. Vì, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, không phải là việc một hai người có thể làm được. Đại đoàn kết toàn dân có nghĩa là phải tập hợp được tất cả mọi người dân vào một khối trong cuộc đấu tranh chung. Nguyên tắc cơ bản để xây dựng khối đại đoàn kết là bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của các tầng lớp nhân dân.
5. Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước
Độc lập dân tộc và thống nhất đất nước nhà là một quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam, là con đường sống của nhân dân Việt Nam. Đó là một quan điểm lớn của Hồ Chí Minh. Người nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Hồ Chí Minh lên án thực dân Pháp chia cắt nước Việt Nam, “lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết” (24). Sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập của dân tộc Việt Nam cũng là cuộc đấu tranh cho sự thống nhất và toàn vẹn chủ quyền quốc gia. Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của Cách mạng tháng Tám là “giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”. Mục đích của kháng chiến chống thực dân Pháp là để giữ lấy và phát triển những thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, tức là hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ”.
Độc lập và thống nhất của Tổ quốc là khát vọng và ý chí đấu tranh của Hồ Chí Minh và cả dân tộc Việt Nam. Người chấp nhận ký bản Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, mặc dù chưa đòi được thực dân Pháp phải công nhận nền độc lập, nhưng họ đã phải công nhận “nước Việt Nam là một quốc gia tự do”, có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thực hiện thống nhất đất nước sẽ do trưng cầu dân ý quyết định.
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.