I. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC
1. Vấn đề dân tộc thuộc địa
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ mới xem xét và giải quyết vấn đề dân tộc trong điều kiện các nước tư bản chủ nghĩa ở Châu Âu.
- Kế thừa và phát triển sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh tập trung bàn về vấn đề dân tộc thuộc địa.
a. Thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa
- Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc
Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, xoá bỏ ách thống trị, áp bức, bóc lột của nước ngoài, giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập Nhà nước dân tộc độc lập
- Lựa chọn con đường phát triển của dân tộc
Từ thực tiễn phong trào cứu nước của nhân dân và lịch sử cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh khẳng định phương hướng phát triển của dân tộc trong bối cảnh thời đại mới là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
b. Nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa là độc lập tự do cho dân tộc
- Cách tiếp cận: Từ quyền con người:
+ Hồ Chí Minh coi quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người là những “lẽ phải không ai có thể chối cãi được”
+ Từ cách tiếp cận về quyền con người, Hồ Chí Minh đã suy rộng, khái quát thành quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[1].
- Độc lập tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của các dân tộc
- Nội dung của độc lập dân tộc
+ Một là: Độc lập hoàn toàn, độc lập mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh…
+ Hai là: Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia phải do nhân dân của dân tộc đó quyết định. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ
+ Ba là: Độc lập dân tộc gắn với sự thống nhất quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
+ Bốn là: Độc lập dân tộc gắn liền với ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân
+ Năm là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
+ Sáu là: Độc lập gắn với hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc, độc lập cho dân tộc mình đồng thời độc lập cho tất cả các dân tộc khác
c. Chủ nghĩa dân tộc - một động lực lớn của đất nước
- Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của dân tộc để giành lại quyền độc lập cho các dân tộc thuộc địa.
- Người đã kiến nghị về Cương lĩnh hành động của Quốc tế cộng sản: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản…Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi…nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”[2].
2. Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp
a. Vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có quan hệ chặt chẽ với nhau
- Khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân và quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình cách mạng Việt Nam
- Chủ trương đại đoàn kết dân tộc rộng rãi trên nền tảng liên minh công – nông – trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng
- Sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù
- Thiết lập chính quyền Nhà nước của dân, do dân, vì dân
- Gắn kết mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội
b. Giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
- Đây là luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh khi xác định con đường cứu nước là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, khác với các con đường cứu nước của cha ông ta (gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa phong kiến), hoặc chủ nghĩa tư bản.
- Giành được độc lập dân tộc rồi, phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội là một đảm bảo vững chắc cho nền độc lập của dân tộc.
c. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề để giải phóng giai cấp
Giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân là điều kiện để giải phóng giai cấp. Vì vậy, lợi ích giai cấp phải phục tùng lợi ích dân tộc.
d. Đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình, đồng thời tôn trọng độc lập của các dân tộc khác
Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần dân tộc tự quyết, nhưng không quên nghĩa vụ quốc tế của mình trong việc đấu tranh giành độc lập cho các dân tộc thuộc địa trên thế giới
II. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
1. Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc.
a. Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng ở thuộc địa.
- Sự phân hóa của xã hội thuộc địa không giống như ở các nước tư bản phương Tây cho nên cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây.
- Mâu thuẫn của xã hội thuộc địa là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa thực dân.
- Đối tượng của cách mạng ở thuộc địa. Là chủ nghĩa thực dân và tay sai phản động.
- Yêu cầu bức thiết của cách mạng thuộc địa là độc lập dân tộc.
- Nhiệm vụ của cách mạng giải phóng dân tộc
+ Chống đế quốc giành độc lập cho dân tộc
+ Chống phong kiến, đưa lại ruộng đất cho nông dân, dân chủ cho nhân dân lao động.
- Tính chất của cách mạng thuộc địa. Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng ở Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc.
b. Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc.
- Lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc
- Giành độc lập dân tộc
- Giành chính quyền về tay nhân dân
2. Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
Cách mạng vô sản là gì? Theo từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, cách mạng vô sản là cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, nhằm dùng bạo lực cách mạng lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản, lập nên chế độ xã hội chủ nghĩa.
a. Rút bài học từ sự thất bại của các con đường cứu nước trước đó.
Để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, ông cha ta đã sử dụng nhiều con đường gắn với những khuynh hướng chính trị khác nhau, sử dụng những vũ khí tư tưởng khác nhau nhưng đều thất bại
Đất nước rơi vào “tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”. Đó là tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nó đặt ra yêu cầu bức thiết phải tìm một con đường cứu nước mới.
b. Cách mạng tư sản là không triệt để.
“Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”[3].
Từ đó, Người khẳng định cách mạng Việt Nam không thể đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản.
c. Con đường giải phóng dân tộc .
Theo Hồ Chí Minh, chỉ có con đường cách mạng vô sản mới giành được độc lập thực sự cho dân tộc, mới làm cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam được hưởng hạnh phúc, tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
3. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
a. Cách mạng trước hết phải có Đảng.
- Cơ sở của luận điểm:
+ C.Mác - Ăngghen khẳng định sự cần thiết phải thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản.
“Giai cấp vô sản muốn đủ mạnh và có thể giành được thắng lợi thì nó phải thành lập một Đảng đặc biệt khác với tất cả các Đảng khác và đối lập với các Đảng khác, tự coi mình là Đảng của giai cấp”.
+ Trên cơ sở quan điểm của C.Mác - Ăngghen, Lênin cũng nhấn mạnh:
“Không có một tổ chức vững vàng lãnh đạo thì không thể có phong trào cách mạng vững chắc được”.
+ Cách mạng trong nước: Sự thất bại của các phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX một phần là do các phong trào này chưa cố tổ chức lãnh đạo, hoặc nếu có thì lại thiếu đường lối chính trị đúng đắn, thiếu phương pháp cách mạng khoa học, không có cơ sở rộng rãi trong nhân dân (Việt Nam quốc dân đảng).
- Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn giải phóng dân tộc thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh.
“Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công. Cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[4].
b. Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất
Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng giải phóng dân tộc nói riêng và của toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung, bởi Đảng cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
4. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc.
a. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng bị áp bức
- Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp chung của toàn dân tộc
Người khẳng định “Cách mạng là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”[5].
- Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của quần chúng nhân dân: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”.
b. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc
- Lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc là toàn dân hay tất cả những người yêu nước
- Động lực cách mạng là công nhân và nông dân
- Bạn đồng minh của cách mạng
Trong khi hết sức nhấn mạnh vai trò của công nhân và nông dân, Hồ Chí Minh không coi nhẹ khả năng tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc của các giai cấp và tầng lớp khác. Những giai cấp ủng hộ và tham gia cách mạng tức là động lực lớn của cách mạng.
5. Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.
Mác, Ăngghen và Lênin khi nghiên cứu vấn đề dân tộc, thuộc địa, cách mạng giải phóng dân tộc chỉ thấy mối liên hệ một chiều. Đó là vai trò chính, chi phối, có ảnh hưởng lớn đến cách mạng giải phóng dân tộc của cuộc cách mạng ở chính quốc do giai cấp vô sản lãnh đạo.
a. Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo
- Sức sống của chủ nghĩa tư bản tập trung ở các thuộc địa
Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ nhân công rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó”[6].
- Nhân dân các dân tộc thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn.
- Công cuộc giải phóng nhân dân thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tự giải phóng.
b. Quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc.
Mác – Lênin và Quốc tế cộng sản chưa dự báo gì về khả năng thắng lợi trước của cách mạng thuộc địa mà mới chỉ thấy mối liên hệ chi phối, hỗ trợ, quyết định theo chiều hướng chính quốc giúp thuộc địa.
Theo Hồ Chí Minh, mối quan hệ đó được thể hiện ở chỗ:
- Cùng chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.
Từ việc hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa” và “Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi, nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”[7].
- Cách mạng giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ biện chứng, gắn bó khăng khít với nhau. Đó là mối quan hệ bình đẳng, chứ không phải là quan hệ lệ thuộc, quan hệ chính - phụ.
- Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và giúp đỡ cách mạng chính quốc giành thắng lợi.
6. Cách mạng giải phóng dân tộc phải thực hiện bằng con đường cách mạng bạo lực.
a. Tính tất yếu của bạo lực cách mạng.
- Tính tất yếu của con đường cách mạng bạo lực.
Đánh giá đúng bản chất cực kỳ phản động của đế quốc và tay sai, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”[8]
- Bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng.
+ “Cách mạng là việc chung của dân chúng”. Ở đâu, trong cuộc chiến tranh nào, huy động được đông đảo quần chúng, huy động được sức mạnh nhân dân thì ở đó sẽ thu được thắng lợi: “dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”[9].
+ Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh bạo lực ở nơi quần chúng là rất to lớn nhưng nếu không biết khơi dậy, nó chỉ ở dạng tiềm năng. Vì vậy phải giáo dục, giác ngộ, rèn luyện đấu tranh: “Phải giáo dục chủ nghĩa cho dân hiểu, phải bày sách lược cho dân làm”[10].
- Hình thức của bạo lực cách mạng:
Bạo lực cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là bạo lực của quần chúng, là sức mạnh tổng hợp của:
- Yếu tố chính trị và quân sự
- Lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang của nhân dân
- Hai hình thức đấu tranh là đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị.
b. Tư tưởng bạo lực cách mạng gắn bó hữu cơ với tư tưởng nhân đạo và hòa bình.
- Tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình
- Phải tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng.
- Khi tiến hành chiến tranh, vẫn tìm mọi cách vãn hồi hòa bình
c. Hình thái bạo lực cách mạng
Theo Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc “lực lượng chính là ở dân
- Khởi nghĩa toàn dân.
Khởi nghĩa vũ trang là nhân dân nổi dậy dùng vũ khí đánh đuổi quân cướp nước để giành lấy chính quyền.
- Chiến tranh nhân dân
Theo Hồ Chí Minh chiến tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam phải là: toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến dựa vào sức mình là chính. Đây cũng là nội dung cốt lõi, cơ bản của chiến tranh nhân dân ở nước thuộc địa nửa phong kiến, chống lại xâm lược của thực dân, đế quốc.
+ Kháng chiến toàn dân
“Dân là chủ, kháng chiến kiến quốc là sự nghiệp của dân”
“Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân”[11].
+ Kháng chiến toàn diện
Hồ Chí Minh chủ trương kết hợp chặt chẽ các mặt trận, các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoai giao trong đó đấu tranh quân sự là hình thức chủ yếu.
Người kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá” [12].
- Trên mặt trận quân sự: là hình thức chủ yếu của chiến tranh nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đập tan âm mưu xâm lược...
- Chính trị: Để phát triển lực lượng, tranh thủ đồng minh, đoàn kết quốc tế đồng thời làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn.
- Ngoại giao: “Thêm bạn bớt thù, vừa đánh vừa đàm. Tiến công ngoại giao cũng là một mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược” (Nghị quyết Hội nghị quân uỷ Trung ương tháng 4/1969). Hồ Chí Minh chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, đánh là chủ yếu, đàm là hỗ trợ”[13].
- Kinh tế: là ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế của ta làm hậu phương vững chắc và phá hoại kinh tế địch góp phần làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược của địch. Người kêu gọi: “hậu phương thi đua với tiền phương”, coi ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ”
- Văn hoá: Để phát huy truyền thống dân tộc ta văn hoá là một mặt trận không kém phần quan trọng. Tuyên truyền mục đích cách mạng và chiến tranh là chính nghĩa- vì độc lập tự do, làm cho khả năng tiến hành chiến tranh nhân dân trở thành hiện thực, làm cho nhân dân tự giác tham gia kháng chiến.
+ Kháng chiến lâu dài.
Hồ Chí Minh khẳng định chủ trương “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”
Tương quan so sánh lực lượng ta và địch. Quân địch đông, có kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại, trang bị vũ khí tối tân, bản chất ngoan cố, mưu đồ thống trị nhanh chóng.
+ Dựa vào sức mình là chính.
Hồ Chí Minh kêu gọi “Hãy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhằm phát huy cao độ nguồn sức mạnh chủ quan, tránh tư tưởng bị động trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ cho dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”
- Tuy nhiên phải tranh thủ sự giúp đỡ đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới và các nước, nhân dân tiến bộ vì cách mạng Việt Nam là một bộ phận cách mạng thế giới.
KẾT LUẬN: Chặng đường lịch sử 80 năm qua kể từ ngày ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và những quan điểm tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Chính sách đó vừa phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của nhân loại, cũng bởi lẽ đó mà cách mạng Việt Nam có được sức mạnh to lớn để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 4, tr. 1.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, tr. 467.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, tr. 274.
[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 267-268.
[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 261
[6]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 243.
[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 1, tr. 298.
[8]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 12, tr. 304
[9]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 274
[10]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 267
[11]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 12, tr. 24.
[12]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, tr. 444.
[13]. Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Nxb. CTQG, H, 1997, tr. 205).n
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.