Chọn bàn phím cơ phù hợp có thể là thử thách lớn đối với những người mới tập chơi phím cơ. Khi mới bắt đầu, các bạn sẽ gặp các thuật ngữ, từ chuyên dùng cho phím cơ rất khó hiểu.
Đừng quá lo lắng, bài viết này sẽ giải thích rõ hơn về phím cơ và giúp bạn chọn ra bàn phím cơ hoàn hảo dựa trên nhu cầu và ngân sách của bạn. Let’s go!
Chọn bàn phím cơ giá bao nhiêu là đủ?
Khi chọn bàn phím cơ, điều mọi người thường quan tâm nhất là Chi phí cho một chiếc bàn phím cơ. Vậy chính xác bạn nên chi bao nhiêu cho một chiếc bàn phím cơ?
Có nên chọn phím cơ giá rẻ
Một chiếc bàn phím cơ giá rẻ hiện nay có giá khoảng 1 triệu đồng. Với mức giá này sẽ cho bạn một trải nghiệm cơ học đầy đủ, nhưng vẫn thiếu đi cảm giác “sung sướng” khi dùng phím cơ.
Hầu hết những chiếc bàn phím cơ giá rẻ đều được làm từ các vật liệu giá rẻ và độ hoàn thiện của sản phẩm cũng không cao.
Nếu tài chính của bạn không quá nhiều và nhu cầu của bạn chỉ đơn giản là trải nghiệm cảm giác gõ phím cơ thì hoàn toàn có thể lựa chọn một chiếc bàn phím cơ giá rẻ.
Bàn phím cơ tầm trung có gì
Đối với các mẫu bàn phím cơ tầm trung sẽ có giá thị trường giao động từ 1 - 2,5 triệu đồng. Các mẫu bàn phím cơ ở mức giá này có chất lượng build chắc chắn với vô số tính năng hữu ích.
Đây là mức giá mình cảm thấy phù hợp nhất cho những ai có ý định bắt đầu chơi phím cơ một cách nghiêm túc.
Bàn phím cơ cao cấp
Bàn phím cơ cao cấp sẽ có giá khá cao từ 3 - 10 triệu đồng. Các mẫu phím cơ cao cấp phù hợp cho những ai có tài chính ổn định và tìm kiếm những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng bàn phím cơ.
Mức giá của phân khúc phím cơ cao cấp rất rộng. Tùy thuộc vào số lượng tính năng (Features) và mức độ tùy chỉnh (Custom) mà bạn muốn bàn phím sẽ có các mức giá khác nhau.
Tiếp theo là lựa chọn phần QUAN TRỌNG NHẤT của 1 chiếc phím cơ - Switches
Chọn Switch cho bàn phím cơ chính xác nhất
Chọn switch phù hợp rất quan trọng
Đặc điểm làm lên sự khác biệt của bàn phím cơ học so với bàn phím thông thường là các công tắc (switch).
Các switch này được đặt dưới mỗi phím và đem lại cảm giác gõ phím hoàn toàn khác biệt.
Hiện nay có rất nhiều loại switch khác nhau trên mạng, vì vậy bạn có thể sẽ gặp khó khăn để phân biệt và lựa chọn loại switch cho phù hợp.
Phân loại Switch: Clicky, Linear và Tactile
Tất cả các switch hiện có trên thị trường đều có thể được chia thành ba loại sau: linear, clicky và tactile.
- Linear switch cho cảm giác cực kỳ mượt mà và không có độ nảy trên mỗi lần nhấn phím. Khi sử dụng chúng tương đối yên tĩnh. Các loại Linear switch phổ biến: Red và Black.
- Clicky switch tạo ra tiếng “tách” lớn trên mỗi lần nhấn phím và tạo ra một độ nảy lớn khi nhấn. Các loại clicky switch phổ biến: Blue và Green.
- Tactile switch cũng tạo ra độ nảy tốt khi nhấn, nhưng lại không tạo ra tiếng “tách”. Các loại tactile switch phổ biến: Brown và Clear.
Mỗi loại công tắc sẽ cho cảm giảm giác gõ và âm thanh rất khác nhau.
Lựa chọn switch nào tốt nhất phụ thuộc vào sở thích của bạn và phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của bạn.
Nếu bạn là người mới chưa từng động vào một chiếc phím cơ và vẫn còn bối rối chưa biết chọn loại switch nào. Sau đây là một số lời khuyên của mình dành cho các bạn newbies:
- Sử dụng chơi game: Red hoặc Black switch sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho gaming. Hai loại switch này cực kỳ mượt mà và tuyệt vời khi các bạn chiến game hardcore. Hoàn hảo để nhấn các phím liên tiếp, và tạo combo nhiều phím với tốc độ siêu nhanh. Có nhiều người thích sử dụng Blue switch để chơi game. Tuy nhiên theo mình Blue switch vẫn sẽ có độ trễ nhất định so với Red và Black. Ngoài ra, độ “ồn ào” của Blue switch cũng sẽ khiến bản thân hoặc người bên cạnh mất tập trung vào trận đấu nữa.
- Sử dụng không chơi game: Brown hoặc Blue Switch. Hai loại switch này mang lại độ nảy cao khi nhấn giúp hạn chế gõ sai phím và tăng cảm giác khi gõ phím. Nếu bạn ở trong môi trường làm việc đông người, hãy tránh Blue switch. Tiếng ồn của nó có thể sẽ khiến người xung quanh khó chịu đó.
Switch quang học so với cơ học
Một yếu tố nữa khi lựa chọn switch là quang học (Optical) hay cơ học (Mechanical).
Yếu tố này sẽ chỉ thật sự quan trọng đối với những game thủ chuyên nghiệp vì switch quang học có thể mang lại một số lợi thế khi chơi game. Nếu không, switch cơ học là quá đủ dùng cho hầu hết mọi người.
- Switch cơ học hoạt động khi hai tấm kim loại chạm vào nhau và gửi tín hiệu đến PC của bạn rằng phím đã nhấn.
- Switch quang học hoạt động bởi một chùm ánh sáng được cảm biến thu-nhận khi một phím được nhấn xuống đủ sâu.
Sự khác biệt giữa switch quang học và cơ học nằm ở độ trễ chỉ vài mili giây (ms). Đối với các game thủ chuyên nghiệp, việc nhanh hơn đối thủ chỉ vài mili giây cũng là lợi thế quan trọng.
Với một switch cơ học, khi các tấm kim loại chạm vào nhau sẽ có một độ trễ nhỏ trước khi tín hiệu được gửi đi được gọi là “debounce delay”.
Bàn phím quang học không gặp vấn đề này do tốc độ ánh sáng chiếu vào cảm biến.
Độ trễ này sẽ làm chậm thời gian phản hồi bàn phím của bạn xuống khoảng 5-10 ms, làm cho cơ học chậm hơn một chút so với quang học.
Nhanh hơn chỉ vài ms là quá nhỏ để người dùng cảm nhận được nếu chỉ sử dụng gõ bình thường. Vì vậy, nếu không quá quan trọng về tốc độ phản hồi, bạn có thể tiết kiệm thêm tiền khi sử dụng switch cơ học thay vì quang học.
Chọn nhà sản xuất Switch
Nếu đã từng tham khảo về bàn phím, chắc chắn các bạn đã nghe về một vài thương hiệu làm switch nổi tiếng như Cherry MX, Gateron, Outemu, v.v.
Các công ty, thương hiệu này không trực tiếp sản xuất ra những chiếc bàn phím hoàn chỉnh. Họ chuyên sản xuất các loại switch để cung cấp cho các nhà sản xuất bàn phím khác.
Câu hỏi đặt ra là các thương hiệu switch này có quan trọng không?
Câu trả lời ngắn gọn, CÓ.
Khi lựa chọn Switch cho bàn phím cơ, lựa chọn hàng đầu luôn là Cherry MX.
Các mẫu switch của họ đều trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt và có tuổi thọ lâu nhất trong số tất cả các loại switch. Switch Cherry MX có thể có tuổi thọ hơn 100 triệu lượt nhấn. Và tất nhiên giá của Cherry MX Switch thường đắt hơn một chút so với các loại switch khác.
Nếu bạn chỉ có ngân sách hạn chế, lời khuyên của mình là hãy chọn switch Gateron.
Switch Gateron cho cảm giác gõ cực kỳ mượt mà và giá cả cũng vừa phải. Switch Gateron thường được sử dụng nhiều trên các mẫu bàn phím tầm trung đến tầm giá rẻ. Đây là một lựa chọn khá hợp lý và an toàn. À đừng quên, tuổi thọ của Gateron switch không lâu như Cherry đâu nhé.
Nếu bạn thực sự không có quá nhiều tiền thì Outemu switch là lựa chọn phù hợp nhất.
Outemu switch cho cảm giác chưa thực sự mượt mà khi nhấn. Đổi lại chúng ta sẽ có một mức giá rẻ hơn nhiều. Hầu hết các bàn phím cơ giá rẻ dưới 1,5 triệu đồng đều sử dụng Outemu switch. Đây là một lựa chọn không tồi nếu bạn muốn sở hữu phím cơ giá rẻ.
Lời khuyên của mình khi lựa chọn hãng switch: Cherry MX -> Gateron -> Outemu. (Tiền nào của nấy mà)
Chọn bàn phím cơ dựa vào kích thước
Có rất nhiều tùy chọn kích thước khác nhau ngoài kích thước bàn phím thông thường. Trước hết, mình muốn các bạn hãy trả lời câu hỏi: “Bạn thực sự sử dụng những phím nào?”.
Ví dụ, rất nhiều người có một bàn phím số riêng, nhưng không bao giờ thực sự sử dụng nó để nhập số liệu.
Nếu bạn là một trong số những người này, mình khuyên bạn nên chuyển sang sử dụng bàn phím Tenkeyless (TKL). Bàn phím TKL sẽ lược bỏ phần bàn phím số không cần thiết.
Nếu có những phím khác mà bạn không bao giờ chạm vào, hãy lựa chọn bàn phím có kích thước nhỏ hơn nữa. Các bạn hãy yên tâm rằng các nhà sản xuất bàn phím có đầy đủ các kích cỡ phù hợp với tất cả mọi người.
Bàn phím mình đang sử dụng có kích thước là 65%. Kích thước này đã cắt bỏ hàng chức năng, cụm điều hướng và bàn phím số. Bạn vẫn có tất cả các số và chữ cái, và đặc biệt nhỏ gọn rất dễ dàng để mang đi lại.
Như đã nói hiện tại có rất nhiều kích thước cho một chiếc bàn phím, nên cùng tìm hiểu kĩ hơn trong một bài viết khác nhé.
Chọn bàn phím cơ có nhiều tính năng
Sau khi chọn xong khoảng giá, loại switch và kích thước bàn phím phù hợp với bản thân. Bước cuối cùng là xem xét các tính năng mà bạn cần trên một chiếc phím cơ.
Đầu tiên, hãy xem những tính năng để phân biệt giữa bàn phím cơ rẻ và cao cấp để không bị lừa khi quyết định xuống tiền nhé.
Các tính năng trên phím cơ giá rẻ so với cao cấp
Một bàn phím giá rẻ thường sẽ không có nhiều tính năng và phần mềm sử dụng đi kèm riêng. Ngoài ra, chúng cũng được làm từ các loại vật liệu rẻ tiền hơn và kém bền hơn.
Dưới đây là bảng so sánh nhanh về các tính năng
Bàn phím giá rẻ | Bàn phím cao cấp |
---|---|
Tất cả linh kiện, chi tiết làm từ nhựa | Các linh kiện làm từ nhựa cao cấp / nhôm |
Keycaps làm từ nhựa ABS | Keycaps làm từ nhựa PBT |
Switch Outemu | Switch Cherry MX |
Không có đèn nền/ Led thường | Đèn led RGB từng phím |
Không có/Phần mềm đi kèm yếu | Phần mềm đi kèm mạnh mẽ |
Không có khả năng tùy chỉnh (Custom) | Khả năng tùy chỉnh (Custom) cao |
Dây cáp không thể tháo rời | Dây cáp có thể tháo rời |
Một tính năng khác mà chỉ có trên các dòng bàn phím cao cấp: có Hot-swap switch hay không. Tính năng này sẽ cho phép bạn tháo rời và thay switch cho một phím bất kì nhanh chóng khi phím đó bị hỏng. Tất nhiên, có rất nhiều sản phẩm khác nhau, nhưng đây là một vài đặc điểm chung và dễ thấy nhất để các bạn xem xét.
Một điều khác cần lưu ý là những chiếc bàn phím đến từ các thương hiệu lớn thường sẽ có giá cao hơn. Điều này đến từ việc trên thực tế các hãng này đã hỗ trợ tốt hơn cho các sản phẩm của họ và được rất nhiều sự tin tưởng ủng hộ.
Tính năng dành cho game thủ
Nếu bạn thực sự nghiêm túc trong việc chơi game thì đây là những tính năng bạn cần thực sự chú ý.
- Kết nối có dây (Wired connection): Kết nối có dây rất quan trọng để có phản hồi nhanh, chính xác và ổn định khi chơi game. Tuy nhiên trong những năm gần đây, một số hãng đã có những công nghệ không dây mới cho tốc độ kết nối không thua quá nhiều so với bàn phím có dây, và giá thành cũng cao hơn.
- N-Key rollover: Tính năng này cho phép bạn nhấn nhiều phím cùng một lúc. Điều này rất quan trọng vì khi chơi game sẽ cần sử dụng nhiều phím cùng lúc để tạo các combo nhanh.
- Fast polling rate (1000+): Tính năng này sẽ tăng thời gian phản hồi khi nhấn phím. Bạn nhanh hơn đối thủ kha khá khi sử dụng bàn phím có 1000hz đấy. Những chiếc bàn phím bình thường có tần số chỉ khoảng 125hz tức là chậm hơn rất nhiều.
- Linear Optical Switches: Linear switch là hoàn hảo cho việc chơi game. Switch quang học cho độ phản hồi nhanh hơn công tắc cơ học (do có độ trễ khử nhiễu bằng không). Ngoài ra, hãy chọn loại switch có điểm tiếp xúc ngắn, khoảng 1,0mm là lý tưởng.
- Phần mềm điều khiển đi cùng mạnh mẽ (Powerful software/firmware): Cho phép bạn tùy chỉnh vị trí các phím, thiết lập macro chuyên sâu và tùy chỉnh đèn RGB thông qua phần mềm trên máy tính. Mỗi người sẽ có một thói quen sử dụng bàn phím riêng vì vậy có phần mềm điều khiển sẽ hết sức tiện lợi.
- Đèn RGB: Là một game thủ chính hiệu chắc chắn không thể thiếu chút RGB phải không nào!
Tóm tại, các tính năng quan trọng cho bàn phím gaming bao gồm: thời gian phản hồi thực sự nhanh, cung cấp khả năng tùy chỉnh vị trí phím, macro và 1 chút RGB nữa. Một số các hãng sản xuất bàn phím cơ được giới game thủ chuyên nghiệp trên thế giới ưu thích sử dụng có thể kể đến như: Logitech, Corsair, Razer…
Đối với Đánh máy và Công việc Văn phòng
Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc bàn phím cơ cho trường học, cơ quan hoặc chỉ sử dụng văn phòng, cảm giác gõ sẽ là quan trọng nhất.
Điều này có nghĩa là chúng ta nên tập trung vào cảm giác gõ và trải nghiệm khi gõ phím trong thời gian dài. Lúc này, tốc độ phản hồi siêu nhanh là điều không cần thiết.
Đây là một điểm khởi đầu tốt cho các tính năng:
- Tactile Switch: Đối với hầu hết những người chuyên đánh máy, Tactile switch sẽ cho cảm giác tốt nhất. Độ sâu và độ nảy của phím sẽ giúp hạn chế việc gõ sai phím và giảm tình trạng chưa nhấn hết phím.
- Keycaps PBT: Các keycaps làm từ nhựa PBT có độ bền cao và cho cảm giác gõ thân thiện hơn. Bạn có thể cảm nhận thấy rõ sự khác biệt này khi phải gõ phím trong một thời gian dài.
- Lubed stabilizers: Chúng có nhiệm vụ giữ cho các phím lớn hơn (như Space, Enter…) không bị rung và kêu. Với bộ đàn hồi này, bạn sẽ cảm thấy bàn phím của mình mượt mà và yên tĩnh hơn.
- Kí tự rõ ràng: Các kí tự được in trên Keycaps rõ ràng dễ đọc và có độ thẩm mỹ cao sẽ nâng tầm trải nghiệm đánh máy của bạn gấp mười lần. Đầu tư vào một bộ keycaps mới xịn xò tăng độ cá tính cho bản thân là cực kì đúng đắn.
- Các góc gõ có thể điều chỉnh: Sở hữu một chiếc bàn phím có nhiều góc gõ sẽ cực kì tiện lợi cho những người thích góc gõ cao. Nhiều tùy biến hơn luôn tốt hơn phải không nào.
Dành cho lập trình viên (Coder)
Một Coder sẽ rất cần một bàn phím có phần mềm đi kèm siêu mạnh mẽ cho phép bạn tùy chỉnh vị trí các phím và đặt macro để bỏ các thao tác lặp đi lặp lại.
Tính cá nhân hóa sẽ được ưu tiên hàng đầu, đi kèm đó sẽ là trải nghiệm đánh máy mượt mà.
Xây dựng bàn phím của riêng bạn (Custom)
Bạn cảm thấy những chiếc bàn phím cơ có sẵn là quá nhàm chán và là không đủ đối với bạn? Hoặc đơn giản bạn là một người đam mê phím cơ?
Hãy tự tay tạo một chiếc bàn phím cơ dành cho riêng mình.
Bạn có thể tự tay chọn các bộ phận, linh kiện và tự lắp ráp bàn phím để có được bàn phím tối ưu phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Hiện nay, cộng đồng những người chơi phím cơ, custom phím kể cả ở Việt Nam cũng đang rất đông đảo, nên đừng ngại ngần tham gia nhé.
Tuy nhiên trước khi tham gia vào việc build, custom phím, hãy trang bị kiến thức đầy đủ.
Hãy tham khảo cách Build một chiếc bàn phím cơ hoàn chỉnh từ A - Z tại một bài viết khác nhé!
Lựa chọn bàn phím cơ là một việc khá khó khăn cho một người mới, vì vậy chúng mình hy vọng bài viết sẽ hữu ích trong việc chọn chiếc bàn phím cơ đầu tiên của bạn.
Nếu có thắc mắc hay chưa hiểu hãy comment xuống dưới cho chúng mình biết nhé!
Viết bình luận
Bình luận
Hiện tại bài viết này chưa có bình luận.